
Trong tuyên bố chung được công bố ngày 20 tháng 5, các lãnh đạo nhóm G7 gồm các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy cùng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, các nhà lãnh đạo phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng khu vực bằng vũ lực hoặc biện pháp cưỡng ép.
Bên cạnh đó, G7 cũng cảnh báo hoạt động “quân sự hóa” trên Biển Đông của Trung Quốc, nhóm khẳng định vấn đề hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là vô cùng quan trọng đối với an ninh toàn cầu. Đồng thời, G7 cũng cho rằng tình hình ở Tây Tạng, Tân Cương cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Đây là hàng loạt những tuyên bố mạnh mẽ nhất của G7 nhắm vào Trung Quốc, kể từ khi nhóm này lần đầu tiên đề cập tới Bắc Kinh trong tuyên bố chung vào hai năm trước tại một hội nghị ở Anh.
Tuyên bố chung tại Hiroshima vừa được công bố cũng là kết quả đàm phán giữa các quốc gia thành viên G7 có cách tiếp cận khác nhau về ứng phó Trung Quốc. Trong đó, Mỹ là một trong số quốc gia ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh, còn các quốc gia châu u thì muốn tránh leo thang đối đầu.