
Hình ảnh chụp vệ tinh được CNN công bố vào cuối tháng trước, cho thấy rằng có những công trình, nhà ở của người Trung Quốc được xây dựng nằm dọc khu vực thung lũng sông Torsa, nơi đi qua lãnh thổ Bhutan và Ấn Độ.
Công ty Maxar (Mỹ), đơn vị chụp những bức ảnh vệ tinh này, cho biết đây là khu vực làng Pangda mới được xây dựng nằm ở khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan.
Ngoài ra, hình ảnh vệ tinh còn cho thấy có một kho chứa quân sự của Trung Quốc được đặt tại gần nơi đối đầu biên giới Trung Quốc và Ấn độ vào năm 2017.
Tuy nhiên, Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ, ông Vetsop Namgyel cho biết "không hề có ngôi làng Trung Quốc nào trong lãnh thổ nước này". Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng chưa đưa ra bất kỳ ý kiến nào về vấn đề này.
Cao nguyên Doklam là nơi nằm giữa ba quốc gia. Cả Trung Quốc và Bhutan đều khẳng định chủ quyền ở Doklam và Ấn Độ cũng coi trọng vị trí chiến lược của khu vực này, khi nó nằm gần hành lang Siliguri - tuyến giao thông huyết mạch nối thủ đô New Delhi với 8 tiểu bang phía Đông Bắc của Ấn Độ.
Theo nhà phân tích Syed Fazl-e-Haider, nếu như Trung Quốc chiếm được Doklam và tiến thêm 130km từ hành lang Siliguri, quân đội Trung Quốc có thể cắt đường tiếp tế tới Bhutan, Tây Bengal và các bang Đông Bắc Ấn Độ.
Mặc dù sau những vụ đụng độ gây thương vong giữa binh sĩ Trung - Ấn, cả hai nước đã nhất trí giảm căng thẳng ở khu vực tranh chấp biên giới. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh của Maxar cho thấy Trung Quốc vẫn duy trì lực lượng quân đội, dần xâm nhập sâu hơn vào lãnh thổ Ấn Độ.